Bến Ninh Kiều – Biểu tượng của xứ Tây Đô

Cần Thơ là một trong những Thành phố sầm uất nhất Miền Tây Nam Bộ, với phong cảnh sông nước hữu tình thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Mỗi khi nhắc đến Cần Thơ, không thể không nhắc đến địa danh bến Ninh Kiều – từ lâu đã đi vào thơ ca Việt Nam, được xem là biểu tượng, là dấu ấn đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tây Đô. “Cần Thơ có bến Ninh KiềuCó dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”

Bến Ninh Kiều – Biểu tượng của xứ Tây Đô

Bến Ninh Kiều nay được người dân xứ Tây Đô gọi là công viên Ninh Kiều, là một bến nước, địa danh du lịch và văn hóa được hình thành từ thế kỷ 19. Bến Ninh Kiều, nơi nhìn ra dòng Hậu Giang dạt dào phù sa, nằm ở vị trí đắc địa, giao thoa hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, dọc theo con đường Hai Bà Trưng, trực thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.  

Bến Ninh Kiều nay

Nói về giai thoại hình thành nên Bến, bến Ninh Kiều xưa vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Năm 1876, quân Pháp chiếm đóng Cần Thơ, bến sông được xây gạch, đá dọc theo bờ để ngăn sóng và trở thành bến tàu giao thương hàng hóa đông đúc, tấp nập. Bến sông được người Pháp đặt tên là Quai de Commerce (có nghĩa là bến Thương Mại), còn người dân thì gọi với cái tên bình dị là bến Hàng Dương vì dọc bờ sông có trồng nhiều cây dương. Năm 1957, Tỉnh trưởng Cần Thơ lúc này là Đỗ Văn Chước đã tạo tại đây nên một bến dạo mát và công viên cây cảnh. Sau đó, Đỗ Văn Chước trình lên Ngô Đình Diệm (tổng thống của Việt Nam cộng hòa) xin đặt tên công viên và bến dạo mát là Ninh Kiều theo tên địa danh lịch sử Ninh Kiều – nơi ghi dấu chiến thắng quân Minh của anh hùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Việc chọn tên Ninh Kiều để đặt cho một bến và công viên mới thành lập dọc theo đường Lê Lợi thật sự có ý nghĩa cũng như thể hiện sự trân trọng với chiến tích to lớn của người anh hùng đất Lam Sơn.

Ảnh Bến Ninh Kiều xưa

Ngày nay, bến Ninh Kiều được đầu tư thành công viên du lịch có diện tích 7.000 m², trở thành điểm thu hút người dân địa phương và nhiều lượt du khách đến ngắm cảnh, tản bộ, hóng mát. Ngồi ở công viên, du khách có thể cảm nhận những cơn gió mát, trong lành mang lại cảm giác sảng khoái và thư giãn.

Bến Ninh Kiều xưa vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ

Đứng ở bến Ninh Kiều, du khách có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ – cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á vào thời điểm hoàn thành năm 2010. Hướng mắt sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu, du khách sẽ thấy mộ dải cù lao trải dài.

Đứng ở bến Ninh Kiều, du khách có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ

Trong công viên có bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 7,2 m, đặt trên bệ cao 3,6 m, trọng lượng hơn 12 tấn. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫy tay chào ấm áp, thân thiện đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.

Tượng Bác Hồ trong công viên

Bến Ninh Kiều là một công viên với nhiều cây cảnh, con đường dọc bờ sông kè được thảm đá bằng phẳng, những lối đi tráng nhựa, xi măng xen kẻ những sân cỏ nhìn rất đẹp. Trong khuôn viên được bố trí nhiều băng đá để khách ngồi nghỉ chân ngắm cảnh dọc bờ sông. Dọc bờ sông là hàng dương rũ thân xuống mặt sông rất đẹp, lá sà xuống hòa cùng dãy sóng nhấp nhô, đôi lúc đong đưa theo từng con gió thổi vào từ dòng sông Hậu.

Bến Ninh Kiều về đêm

Du khách có thể đến thăm Bến Ninh Kiều bất cứ thời gian nào, bởi mỗi lúc là một khoảnh khắc độc đáo riêng. Buổi sáng bến Ninh Kiều mang vẻ yên tĩnh, trầm mặc lạ thường giữa cái đông đúc, náo nhiệt của thành phố.  Về đêm, Bến Ninh Kiều thật sự khoác lên mình chiếc áo mới, vô cùng lộng lẫy và nguy nga với những ánh đèn rực rỡ sắc màu, người người qua lại đông vui nhộn nhịp.

Trong khuôn viên được bố trí nhiều băng đá để khách ngồi nghỉ chân ngắm cảnh.

Đến Bến Ninh Kiều, du khách không thể bỏ qua cơ hội được một lần lên du thuyền Ninh Kiều. Mỗi ngày du thuyền Ninh Kiều – một nhà hàng trên sông lâu đời tại Cần Thơ, hoạt động từ 19h30 tối tại đến 21h tối, đưa khách thưởng ngoạn trên sông và xem những tiết mục văn nghệ như cải lương hay đờn ca tài tử đặc sắc, thưởng thức các món ăn đặc sản Nam Bộ. Giữa đất trời bao la, xung quanh là sông nước hữu tình, mênh mông và vẳng bên tai là giọng ca vọng cổ vang lên mượt mà…quả là những phút giây thư giãn tuyệt vời, thi vị.

Du thuyền Ninh Kiều

Đến với bến Ninh Kiều, du khách không chỉ được tham quan công viên Ninh Kiều mà còn có thể ghé thăm chợ cổ Cần Thơ nằm ngày đầu Bến. Tại đây bày bán các mặt hàng lưu niệm, vật dùng gắn liền với miền sông nước nam Bộ, du khách có thể tha hồ lựa chọn những món quà lưu niệm để mang về tặng người thân, bạn bè.

Chợ cổ Cần Thơ nằm ngày đầu Bến

Và đi đến cuối bến là cầu đi bộ nói liền Bến Ninh Kiều với cồn Cái Khế hay con gọi là cầu Tình Yêu. Cầu chỉ mới khánh thành vào tháng 2 năm 2016 nhưng đã nhanh chóng trở thành điểm nhấn thú vị trong hành trình tham quan bến Ninh Kiều. Cầu đi bộ thật sự lung linh với muôn màu ánh đèn vào ban đêm.

Cầu đi bộ Cần Thơ nằm cuối Bến

Xung quanh bến Ninh Kiều cũng đã hình thành các tuyến phố đi bộ, khu ẩm thực chợ đêm Ninh Kiều hoạt động từ 4 giờ chiều đến tầm 12 giờ đêm, nhiều nhà hàng, khách sạn phục vụ cho cả khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chợ đêm Ninh Kiều

Cứ cách một đoạn lại có dãy phố chạy dài, bán nhiều loại mặt hàng khác nhau, đông vui, tấp nập người qua lại ăn uống, mua sắm. Đến đây bạn tha hồ thưởng thức các món ăn đặc sản Cần Thơ thơm ngon như: bánh tét lá cẩm, bánh cam, bánh da lợn, bánh lá dừa…

Khung cảnh thơ mộng tuyệt đẹp tại Bến Ninh Kiều

Hành trình khám phá vẻ đẹp của Bến Ninh Kiều về đêm chắc chắn sẽ đưa bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có thể nói, ai đã từng đến du lịch Cần Thơ mà chưa ghé bến Ninh Kiều quả là một điều hối tiếc.