Cù lao Ông Hổ – Điểm du lịch sinh thái kết hợp về nguồn đặc sắc của An Giang
Mảnh đất An Giang trù phú, tươi đẹp luôn là điểm đến thu hút nhiều du khách. Nơi đây mỗi địa danh lại gắn liền với một huyền thoại, trong đó phải kể đến cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Nằm trên dòng sông Hậu, giữa hai bờ Long Xuyên và Chợ Mới là cù lao Ông Hổ, bốn mùa lúa rập rờn xanh tốt, cây trái trĩu cành, không gian thoáng đãng – yên ắng – hiền hòa và chính nơi đây đã sinh ra người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người con ưu tú của quê hương: Chủ tịch Tôn Đức Thắng… Dù có địa danh hành chính là xã Mỹ Hòa Hưng, nhưng tên gọi Cù lao ông Hổ được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Gắn liền với địa danh này là những câu chuyện xưa kể về nghĩa tình giữa người và hổ, được bà con địa phương lưu giữ và truyền miệng cho đến nay…
Đường tới Cù Lao Ông Hổ
Để tham quan du lịch cù lao ông Hổ, bạn có thể đi xe máy và qua phà Ô Môi, hoặc thuê thuyền đi chừng 30 phút là cập bến ốc đảo. Cả bến thuyền và phà đều nằm kề chợ Long Xuyên. Cù lao Ông Hổ hiện ra xanh ngát với những hàng tre và cây ăn trái, liền kề đó là những mái nhà giản dị, yên bình.
Sự tích về tên gọi cù lao Ông Hổ
Từ dưới bến phà vào cù lao đã thấy hai bức tượng hổ to lớn được tạc bằng đá uy nghi đứng trấn cổng vào. Đó là biểu tượng của vùng đất này từ 300 năm qua. Theo nhiều bậc cao niên địa phương, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối rậm rạp hoang sơ, không người lui tới. Đến thời khai hoang, sau những người đi tiên phong, người dân bắt đầu đến đây dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay. Gắn liền với địa danh ông Hổ có rất nhiều truyền thuyết để giải thích tên gọi này. Một trong những truyền thuyết được người dân thống nhất cao là xưa kia có vợ, chồng ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có 1 con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là 1 con hổ con vừa đói, vừa rét, thấy thương nên ông, bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách. Thời gian sau, ông, bà tuổi cao sức yếu nên qua đời, lúc này người dân đến đây sinh sống nhiều nên hổ rút sâu vào rừng. Tuy nhiên, chú hổ này vẫn nhớ công chăm sóc của ông bà lão.
Hàng năm, tới ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về 1 con heo rừng hoặc nai rừng đặt bên mộ rồi đi. Lần cuối cùng, người ta thấy cọp đi quanh hai nấm mồ, nhưng đến nửa đêm thì cọp chết. Thương con vật sống có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão. Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là cù lao Ông Hổ. Tên gọi cù lao ông Hổ là niềm tự hào của người dân nơi đây, bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, không phải hổ dữ. Nó là minh chứng cho một vùng đất cù lao với con người sống hiền hòa, chân tình, chan chứa tình yêu thương
Các điểm tham quan tại cù lao Ông Hổ
Bao quanh cù lao là mênh mông nước với những làng bè nuôi cá, nhà hàng nổi. Trên cù lao, kênh rạch chằng chịt, đến đây bạn có thể tham quan vườn cây ăn trái trĩu quả, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chùa Ông Hổ, các làng nghề rèn, mộc, dệt chiếu còn sót lại…
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đến Cù lao ông Hổ, du khách không thể không ghé thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây, trước là nhà cụ thân sinh Bác Tôn, được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch công nhận Di tích Lịch sử quốc gia năm 1984. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã khánh thành khu lưu niệm và đền thờ Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7 ha; năm 2012 được Chính phủ công Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích có: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác vào Sài Gòn để làm lễ mít tinh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phục chế mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), cầu treo dài 80m đón khách tham quan bằng đường sông và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác. Mỗi khu có một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, những con rạch cảnh, cầu kiều, ao cá cùng với những con đường rợp bóng cây xanh đã làm cho Khu lưu niệm càng thêm gần gũi.
Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn có các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của Bác – đó là căn nhà sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành…
Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Đức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Đề – thân sinh Bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Đức” trước tên là chữ “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.
Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam bộ:
“Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.”
Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào những ngày tháng Tám mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ.
Nhà cổ
Cù lao Ông Hổ có rất nhiều ngôi nhà cổ, tuổi đời cả trăm năm. Uớc tính hiện nay tại cù lao Ông Hổ còn gần 100 ngôi nhà cổ, được người dân bảo tồn nguyên vẹn. Người dân cù lao Ông Hổ không chỉ giữ cho những căn nhà cổ vững chãi dưới mưa nắng mà trăm năm trôi qua, bao chuyện đời, chuyện người gắn bó với ngôi nhà vẫn còn được lưu giữ. Căn nhà xưa nhất trên cù lao Ông Hổ là của ông Nguyễn Hữu Chí – nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ. Nhà ông Chí được dựng từ năm Tân Hợi (1851). Đã 166 năm trôi qua nhưng căn nhà ba gian, hai chái vẫn không có một vết mối mọt nào. Đây là một trong ba căn nhà cổ nhất ở Long Xuyên. Cột nhà được dựng từ thân cây căm xe, cà chít. Ván và đòn tay được xẻ ra từ gỗ thao lao. Gia tộc ông Nguyễn Hữu Chí cũng như nhiều gia đình trên cù lao Ông Hổ là con cháu những người lưu dân từ Quảng Bình theo Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở đất. Căn nhà được cụ sơ của ông Chí là Nguyễn Văn Thiển thuê thợ từ Quảng Bình vào dựng nên, ròng rã hơn một năm mới xong.
Cách nhà ông Chí vài căn là nhà của ông Nguyễn Hữu Tân và bà Nguyễn Thị Bảy, đều đã hơn 80 tuổi. Ông Tân không nhớ nhà cất năm nào, chỉ biết từ đời ông nội, lúc ông lớn lên đã thấy cột mun giữa nhà bóng nhẵn. Ông Tân cho biết vì là xứ cù lao nhô lên giữa thượng nguồn sông Hậu, mỗi năm ba tháng nước dâng nên cũng như các nhà cổ khác ở đây, nhà ông được cất theo dạng nhà sàn để chống lũ.
Còn căn nhà cổ 117 năm nằm gần cầu Rạch Kít được coi là đẹp và tinh xảo nhất. Chủ nhân căn nhà – ông Tôn Thất Đính – là cháu họ của Bác Tôn. Ông Tôn Thất Đính kể căn nhà này được dựng toàn bằng gỗ căm xe, giá trị thời điểm xây dựng ngang với gần trăm mẫu ruộng. Ông Đính nói so với căn nhà của người em Tôn Văn Quý thì nhà của anh hai Tôn Văn Đề – cha bác Tôn – cất trước đó hơn chục năm đơn giản hơn, ván sàn chỉ bằng gỗ tràm và cột kèo cũng không được chạm trổ tinh xảo.
Không chỉ giữ gìn ngôi nhà, cách sắp đặt vật dụng trong nhà cổ ở cù lao Ông Hổ vẫn được giữ nguyên như thời mới cất. Nhà cổ ở đây đều có mái thấp, ai đi vào cũng phải cúi đầu để khỏi đụng, khác với nhà có mái hiên cao hơn sau này. Mỗi căn nhà là mỗi ký ức, mỗi câu chuyện đời được gia chủ giữ gìn, gửi gắm cho con cháu. Và có lẽ điều đó đã góp sức cho những căn nhà trên cù lao Ông Hổ vững chãi suốt trăm năm.
Chùa ông Hổ
Xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được nét quê đậm chất, có nhà cổ, cuộc sống thuần nông, bên cạnh đó điểm nhấn là những ngôi đình, chùa. Đặc biệt là Bửu Long Cổ tự mà người dân còn hay gọi với cái tên thân thuộc “Chùa ông Hổ”.
Chùa ông Hổ tuy diện tích nhỏ, nằm thu mình dưới tán những cây dầu cổ thụ, nhưng bản thân mang trong mình nét cổ xưa, mặc dù đôi chỗ đường nét chưa thật sắc sảo. Đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa thì chùa ông Hổ sẽ là điểm dừng chân thú vị vì mọi thứ đều có giá trị: từ tượng thờ, không gian, tích xưa… Vì những nét mộc mạc đó mà người ta thấy mình như đang ở trong bối cảnh của thời trước với không gian mát mẻ, không khí trong lành, con người mộc mạc, tình nghĩa, làng quê yên bình.
Hàng năm, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức vào ngày 28-10 (âm lịch) với sự tham gia rất đông của người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đây là dịp cầu mong mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh…
Đình thần Mỹ Hòa Hưng
Đình thần Mỹ Hòa Hưng, ngôi đình làng cổ kính với nét kiến trúc xưa của đình làng Nam Bộ, xung quanh là những cây sao, dâu cổ thụ che mát làm tăng thêm vẻ thâm trầm, cổ kính cho khuôn viên quanh đình.
Trong những năm 1925-1926, ngôi đình là trụ sở hoạt động bí mật của nhiều nhân sĩ, trí thức và hương chủ yêu nước ở địa phương. Năm 1943, Chi bộ xã Mỹ Hòa Hưng thành lập, lấy đình làm điểm hội họp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ủy ban Hành chính xã được thành lập cũng đặt trụ sở làm việc tại đình. Đến ngày 6-1-1946, ngôi đình là 1 trong 3 điểm của xã Mỹ Hòa Hưng đặt thùng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta. Ngoài giá trị lịch sử lâu đời, đình thần Mỹ Hòa Hưng còn là công trình kiến trúc đẹp mang phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn, ngôi đình được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử năm 2003.
Vườn táo hồng
Đến cù lao Ông Hổ, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên của vùng đất cù lao giữa dòng sông Hậu, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng in đậm công lao của người đồng chí với Bác Hồ năm xưa, du khách còn bị thu hút bởi các vườn cây ăn trái trĩu quả. Nổi bật nhất là “Vườn táo hồng” của chú Lê Văn Phước.
Trong vườn không chỉ có táo hồng mà còn có sơ ri, dâu tằm, ổi… và rau sạch. Ngoài việc tham quan, quý khách còn có dịp thưởng thức no say các loại trái cây đặc sản được trồng ở đây, các món ăn đồng quê dân dã và mua về làm quà.
Trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ cù Lao
Du lịch An Giang, đến Cù lao ông Hổ ngoài tham quan các di tích, du khách có cơ hội tận hưởng được hương vị cuộc sống của vùng sông nước Nam bộ, trải nghiệm cuộc sống cùng bà con nơi đây thông qua các điểm du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách có thể tham gia vào các hoạt động: Câu cá, câu rắn mối, vò lá sâm, nướng bánh kẹp, hái táo, sơri ….; cùng người dân địa phương tát mương bắt cá, tát đìa, dỡ chà, bẻ ấu, thả lưới, mò ốc, trồng rau, tưới rẫy…; nướng bắp, nướng khoai tại rẫy. Cùng nông dân chế biến và thưởng thức các chiến lợi phẩm…
Ngoài ra bạn có thể đạp xe tham quan cù lao, đi thuyền trên kênh rạch chiêm ngưỡng phong cảnh, hay tham quan bè cá… đây đều là những hoạt động vô cùng thú vị. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn Cù Lao Ông Hổ đã phát triển loại hình du lịch homestay, du khách có thể ngủ lại qua đêm tại các ngôi nhà sàn truyền thống đậm chất Nam Bộ. Cùng với những hộ gia đình làm bánh dân gian, thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng sông nước như: bánh xèo, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ..
Thưởng thức đặc sản cù lao
Người dân đãi khách du lịch Cù Lao Ổng Hổ các loại trái cây chín tươi ngon mới hái tại vườn, các loại nước giải khát dân dã: sương sâm – hột é – bánh lọt – nước dừa, do chính gia chủ hái lá sương sâm tại vườn nhà, vò tại chỗ nên vị tươi mát vẫn còn nguyên vẹn. Món bánh kẹp nướng cũng thật thú vị, bánh làm từ bột pha với nước cốt dừa, khi nướng rắc mè lên bánh, vị dừa béo, mùi mè thơm, nướng đến đâu, ăn đến đó, nóng hổi, giòn tan.
Những bữa cơm cho du khách cũng không thiếu đặc sản miền quê: càng cua đồng, ốc hấp sả, gà vườn hấp lá trúc, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, canh chua, cá kho tộ, rau vườn… Trên cù lao, người dân trồng rất nhiều sơri nên chủ nhà thường đãi khách rượu sơri, uống cay cay, ngòn ngọt làm cho bữa ăn thêm đậm đà.
Cù lao Ông Hổ sẽ là một trong những điểm đến thú vị của ngành du lịch An Giang, ngoài du lịch sinh thái, nơi đây còn là điểm du lịch “Về nguồn” để tìm hiểu văn hóa, lịch sử… Việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, truyền thống đấu tranh, xây dựng của địa phương cho khách tham quan trong và ngoài nước. Trước nữa là hướng đến việc giáo dục tình yêu đất nước, dân tộc cho thế hệ trẻ.