Viếng Chùa Bà Thiên Hậu ở Sa Đéc Đồng Tháp

Chùa Bà có tên đầy đủ là Thất Phủ Thiên Hậu Cung, hay còn được gọi là Thiên Hậu Miếu tọa lạc tại số 143 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Chùa có lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Trung Hoa. Nhìn từ ngoài vào, chùa có khoảng sân khá rộng và sâu, hai sắc màu vàng đỏ của toàn bộ ngôi chùa tương phản trên nền trời xanh càng tô đậm vẻ uy nghiêm, cổ kính, rực rỡ.

Chùa Bà có tên đầy đủ là Thất Phủ Thiên Hậu Cung

Chùa do nhóm người Hoa của tỉnh Phúc Kiến ở Sa Đéc xây dựng vào năm 1867 để làm nơi thờ cúng và dùng cho việc sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Chùa thờ bà Thiên Hậu có tên là Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến), được sắc phong đời nhà Hán ở Trung Hoa, là Thiên Hậu Thánh Mẫu hộ quốc, tế dân. Bà có công cứu độ những người đi ghe, thuyền ngoài biển bị sóng gió đánh chìm.

Chùa do nhóm người Hoa của tỉnh Phúc Kiến ở Sa Đéc xây dựng vào năm 1867

Ban đầu, chùa được cất bằng tre lá đơn sơ, trên một khuôn viên chật hẹp. Năm 1886, chùa được trùng tu, mở rộng diện tích, xây gạch, ốp đá, trang trí nguy nga. Hầu hết các nguyên vật liệu để trùng tu ngôi chùa đều được chở từ Trung Quốc sang. Cho đến nay chùa gần như vẫn giữ được kiến trúc cũ và được biết đến là chùa Bà đẹp nhất miền Tây.

Ảnh Chùa Bà Sa Đéc xưa

Hiện nay, chùa có bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Phước Kiến thay phiên nhau bảo quản và lo khói hương cúng bái. Chùa đã được ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 416/QĐ.UBHC, ngày 10-04-2003.

Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh

Ngôi chùa có bố cục theo kiểu chữ Đinh , trước sau liền nhau, không có sân thiên tỉnh. Hai bên vách, phía trên được để trống chứ không xây bít lại – dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời, nên trong chùa rất sáng sủa và thoáng đãng, không có vẻ tĩnh mịch nhưng lại cũng rất trang nghiêm.

Chùa có kiến trúc đậm nét văn hóa Trung Hoa

Trước chùa Bà có một khoảng sân rất rộng, được tráng xi măng sạch sẽ, trồng nhiều cây kiểng, có hàng rào bao bọc xung quanh. Mái lợp ngói âm dương tạo gợn sóng. Trên mái nóc trang trí hình lưỡng long tranh châu cùng tượng các vị tiên, Phật trong truyện xưa tích cũ của Trung Hoa.

Chùa được trang trí khéo léo đẹp mắt

 Toàn bộ khung chùa không có kèo chỉ có đòn tay ráp mộng chịu lực trên những cột gỗ tròn. Có 16 hàng cột to dùng để đỡ mái, các cột đều trang trí liễn đối bằng chữ Hán với nền đỏ sậm và dòng chữ đen tuyền. Xung quanh cũng có rất nhiều hình vẽ, hoành phi, câu đối, võng lọng được trang trí khéo léo nên trông rất đẹp mắt, đồng thời thể hiện một cách đặc sắc trong phong cách văn hóa truyền thống Trung Hoa thông qua các liễn đối và cách bài trí.

Hầu hết các nguyên vật liệu để trùng tu ngôi chùa đều được chở từ Trung Quốc sang

Trên trần nhà có rất nhiều tranh vẽ về các câu chuyện truyền kỳ của Trung Quốc như: Tam quốc diễn nghĩa, Phong Thần, Đông Chu liệt quốc… Dưới trần nhà, hai bên có hai tượng kỳ lân bằng đá đang ngồi trên thanh xà ngang, mặt hướng về phía trước như trấn giữ cho ngôi chùa.

Hai tượng kỳ lân bằng đá

Dưới mái nóc, còn có treo những quả đèn cầu hai bên trông thật đẹp mắt. Ở hai cửa chính, có hai dòng chữ Hán: Bên trái là An dân. Bên phải là Bảo quốc. Ngoài ra, chùa còn có đông lang và tây lang – dùng để sinh hoạt tiếp khách. Trên cổng chính là bức hoành phi với dòng chữ Hán là Thiện Hậu cung.

Những cuộn hương vòng mang đặc sắc văn hóa tín ngưỡng của người Hoa

Chánh điện được trang trí lộng lẫy với nhiều hoành phi nền đỏ chữ vàng. Chánh điện gồm ba gian: gian giữa thờ bà Thiên Hậu; gian bên phải thờ bà Kim Huê (bà mẹ sanh); gian bên trái thờ ông Địa và ông Hổ (Bạch Hổ Sơn Thần). Ngoài ra chùa còn thờ Phật Di Đà, Quan Âm Bồ Tát và Quan Thánh Đế Quân.

Chánh điện

Hằng năm, chùa tổ chức lễ lớn vào ngày 23-03 và ngày 09-09, tức ngày sinh và ngày hoá của bà Thiên Hậu. Lễ hội được tổ chức công phu với nhiều nghi thức như: tắm Bà, vía Bà, thỉnh Bà hàng cung.

Chùa được trang hoàng lộng lẫy vào dịp lễ, tết

Trong các ngày lễ hội, khách du lịch Đồng Tháp cũng như dân làng xung quanh đổ về chùa rất đông. Tất cả đều thành tâm cúng bái, vui chơi, thưởng ngoạn. Ngày vía bà hằng năm thật sự là một ngày hội lớn, là một nét sinh hoạt văn hóa vui tươi không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Sa Đéc mà còn là niềm vui chung của các dân tộc ở đây.