Khu di tích Giàn Gừa – Phong Điền – Cần Thơ

Về với vùng đất Tây Đô, không thể không nhắc đến một di tích lịch sử được cho là đã hình thành rất lâu, từ thuở khai hoang lập ấp đến nay đó là khu di tích Giàn Gừa. Giàn gừa là một thắng cảnh đẹp gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Phong Điền, là cái nôi cách mạng với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân dân Cần Thơ. Đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.

Cổng chào

Khu di tích Giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Cách trung tâm thành phố Cần Thơ 14km, có 2 con đường để đến Di tích lịch sử Giàn Gừa: một là đi theo hướng lộ Vòng Cung trên địa bàn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, qua phà đến xã Nhơn Nghĩa rồi hỏi thăm đường đi; hai là đi từ Cần Thơ về Hậu Giang, rẽ vào quốc lộ 61B (đường đi Vị Thanh), đến gần chân cầu Rạch Sung, quẹo trái, có bảng chỉ dẫn đường vào di tích.

Một trong hai cổng vào khu di tích lịch sử Giàn Gừa

Khu di tích Giàn Gừa với những cây gừa đã có trên 100 năm tuổi, là một loại cây đại diện cho vùng sinh thái ngập nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, và cũng là khu sinh thái thiên nhiên tiêu biểu không nên bỏ qua nếu bạn đi du lịch Cần Thơ.

Giàn gừa khổng lồ tỏa rợp bóng mát

Giàn gừa trước đây có diện tích rất lớn nhưng do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và sự tác động của môi trường nên hiện nay chỉ còn khoảng 2.700 m2. Đến di tích Giàn Gừa, khách tham quan cảm thấy ngạc nhiên, choáng ngợp trước một giàn gừa nguyên sinh vững chắc, với nhiều cây, nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ nên có khi chẳng biết đâu là gốc, đâu là nhánh.

Cây gừa hơn 100 tuổi có nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau

Có những cành gừa còn in hằn vết tích chiến tranh với những vết đứt, vết loang lổ do bom đạn. Tuy nhiên, với sức sống mãnh liệt, những cành gừa ấy vẫn đâm chồi, nảy lộc và vươn mình tỏa rợp bóng mát. Đây có lẽ là Giàn Gừa có một không hai tại Việt Nam. Hiện nay đã phát tán ra diện tích rộng khoảng 4.000m2.

Hiện nay đã phát tán ra diện tích rộng khoảng 4.000m2

Dưới những tán cây rộng, rợp bóng mát, mọi người cảm thấy thoải mái, yên bình bởi không khí nơi đây rất mát mẻ, trong lành.

Gốc cây cái

Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, Di tích Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại, gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân địa phương. Bên trong khu di tích có đền thờ Bác Hồ và một ngôi miếu nhỏ thờ Bà Thượng động Cố Hỉ.

Di tích Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại

Theo truyền thuyết mà một số người lớn tuổi của tộc họ Nguyễn ở xã Nhơn Nghĩa kể lại: vào giữa thế kỷ XIX (năm Đinh Tỵ, 1857), nhiều nhóm người từ sông Tiền di cư đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang, trong đó có ông Cả và một số người thuộc kiến họ Nguyễn. Do đất đai nơi đây màu mỡ, phì nhiêu nên việc khai hoang thuận lợi, đất đai của kiến họ Nguyễn ngày càng được mở rộng. Từ đó, nhiều người gọi ông Cả là ông Cả Nguyễn. Một hôm, vùng này xảy ra hỏa hoạn khiến giàn gừa bị cháy. Ở làng xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều con cháu ông Cả Nguyễn bị bệnh chết.

Miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỷ

Thầy Bảy ở núi Châu Đốc, An Giang làm nghề bốc thuốc Nam đến chữa bệnh cho dân làng. Vị đạo sĩ ấy cho biết giàn gừa này là một vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỷ . Nay giàn gừa bị cháy rụi nên Thượng Động Cố Hỷ không còn chỗ đi về khiến bà nổi giận. Muốn dân tình an cư lạc nghiệp, bà con phải trồng lại hàng gừa và hằng năm làm lễ giỗ cúng Bà. Sau khi cây gừa được trồng lại, dịch bệnh, tai ương không còn hoành hành, cuộc sống người dân được bình yên. Con cháu họ Nguyễn liền dựng ngôi miếu thờ Bà Thượng động Cố Hỉ và lấy ngày 28 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày Vía, để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự.

Lễ Vía bà được diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Bà Thượng Động Cố Hỷ, người được nhân dân tôn sùng là ân nhân của quê hương này. Đến lễ hội Giàn Gừa, bạn sẽ có dịp tìm hiểu nghi thức cúng bái, lễ vật dâng cúng Bà và thần linh, đặc biệt màn múa bóng rỗi truyền thống và nghe đờn ca tài tử, thưởng thức cây lành trái ngọt.

Vẻ đẹp huyền bí thu hút khách đến tham quan

Du khách thích thú chụp hình lưu niệm

Đặc biệt, nơi đây còn là địa điểm hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ chống Mỹ, nơi đây diễn ra nhiều cuộc họp triển khai Nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, tỉnh ủy; Năm 1961 – 1965 giàn gừa là cơ sở mật mở các khóa đào tạo, huấn luyện đội biệt động nội thành thành phố Cần Thơ; nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng Cần Thơ năm 1975.

Nơi đây còn là địa điểm hoạt động cách mạng

Với những giá trị trên, ngày 05/04/2013, UBND thành phố Cần Thơ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng Giàn Gừa là di tích lịch sử cấp thành phố.

Giàn Gừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Và cũng khoảng thời gian này “Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam” công nhận giàn gừa là cây di sản Việt Nam vào ngày 13/6/2013. Đây cũng là cây di sản đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long và là cây di sản duy nhất của TP Cần Thơ được công nhận.