Du lịch làng nghề Sóc Trăng – Khám phá bản sắc văn hóa dân tộc

Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, những ngôi chùa Khmer cổ kính mà còn là cái nôi của nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời. Mỗi làng nghề là một câu chuyện kể về sự khéo léo, tỉ mỉ và lòng yêu nghề của người dân nơi đây. Hãy cùng tôi du lịch làng nghề Sóc Trăng, tìm hiểu nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc và mua sắm những món quà lưu niệm ý nghĩa nhé!

Làng nghề bánh pía

Bánh pía Sóc Trăng có nguồn gốc từ người Hoa di cư đến đây từ thế kỷ XVII, món quà quê dân dã mà đậm đà hương vị, đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Làng nghề bánh pía Vũng Thơm, với những lò bánh truyền thống, là nơi lưu giữ bí quyết làm nên những chiếc bánh pía thơm ngon, hấp dẫn.

Làng nghề bánh pía Sóc Trăng

Làng nghề bánh pía Sóc Trăng

Vỏ bánh mỏng tang, nhân đậu xanh ngọt ngào, hòa quyện cùng hương thơm của sầu riêng, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên. Bánh pía không chỉ là món ăn ngon mà còn là nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Sóc Trăng, là món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè.

Du lịch Sóc Trăng, tham quan các cơ sở sản xuất bánh pía, bạn được tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh thủ công từ khâu nhào bột, làm nhân, đóng gói. Ngoài ra còn có thể tự tay làm bánh và thưởng thức những chiếc bánh pía nóng hổi vừa ra lò.

Làng nghề cốm dẹp

Cốm dẹp, món ăn dân dã mà tinh tế, đã trở thành biểu tượng ẩm thực của người Khmer Nam Bộ. Làng cốm dẹp ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, với lịch sử hơn 100 năm, là nơi lưu giữ những bí quyết làm cốm dẹp gia truyền.

Làng nghề cốm dẹp

Làng nghề cốm dẹp

Từ những hạt nếp thơm dẻo, qua bàn tay khéo léo và sự cần mẫn của người thợ, cốm dẹp ra đời với hương vị thơm ngon đặc trưng. Không chỉ là món ăn thường ngày, cốm dẹp còn là lễ vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Dù công việc làm cốm dẹp đòi hỏi nhiều công sức, nhưng người dân nơi đây vẫn miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng.

Đến với Làng Nghề Cốm Dẹp du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu công đoạn làm cốm dẹp từ khâu chọn lúa, ngâm ủ, hấp, giã đến khi thành phẩm rất công phu. Trực tiếp tham gia giã cốm, trải nghiệm cảm giác thú vị khi tự tay làm ra những hạt cốm dẻo thơm. Đừng quên mua cốm dẹp về làm quà hoặc thưởng thức ngay tại chỗ. Cốm dẹp có thể ăn kèm với dừa nạo, đường cát hoặc làm nguyên liệu chế biến các món chè, bánh ngon.

Làng nghề đan đát

Nằm tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, làng nghề đan đát Phước Quới từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo được làm từ tre, trúc. Qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, những nguyên liệu đơn sơ ấy đã hóa thành những chiếc thúng, rổ, xà ngom, cần xé, bội nhốt gà,… vừa bền đẹp, vừa mang đậm nét văn hóa Khmer. Không chỉ là một nghề mưu sinh, đan đát còn là niềm tự hào của người dân Phước Quới, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Làng nghề đan đát

Làng nghề đan đát

Làng nghề vẽ tranh trên kính

Nghệ thuật vẽ tranh trên kính, một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Khmer Sóc Trăng, đang dần mai một. Xã Phú Tân, huyện Châu Thành, từng là nơi tập trung nhiều nghệ nhân vẽ tranh trên kính, nay chỉ còn lại vài người tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống này.

Làng nghề vẽ tranh trên kính

Làng nghề vẽ tranh trên kính

Những bức tranh với màu sắc tươi sáng, chủ đề đa dạng, từ Phật giáo đến phong cảnh thiên nhiên, đều toát lên vẻ đẹp tinh tế, mang đậm bản sắc văn hóa Khmer. Mỗi nét vẽ là sự kết tinh của tài năng, sự tỉ mỉ và lòng yêu nghề của người nghệ nhân.

Sự mai một của làng nghề vẽ tranh trên kính là một điều đáng tiếc. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của cộng đồng và chính quyền địa phương, nghề truyền thống này sẽ được bảo tồn và phát triển, góp phần gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Kết hợp khám phá thêm

Đừng quên kết hợp tham quan các điểm đến du lịch Sóc Trăng hấp dẫn như Chùa Dơi với kiến trúc cổ kính và hàng ngàn con dơi sinh sống, Chùa Somrong với nét đẹp lộng lẫy và tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 63m, hay Chùa Chén Kiểu với lối trang trí bằng những mảnh chén, đĩa sứ độc đáo…

Lưu ý du lịch Làng Nghề Sóc Trăng

  • Hành trang: Áo quần phù hợp với thời tiết nắng ấm quanh năm, lịch sự, kín đáo, mũ nón, kem chống nắng…
  • Bạn có thể thuê xe máy hoặc đi taxi, thuê ô tô để di chuyển giữa các làng nghề.
  • Mua sắm: Ủng hộ sản phẩm làng nghề là cách thiết thực để góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống. Bạn có thể mặc cả giá trước khi mua nhưng hãy nhớ giữ thái độ tôn trọng nhé.Tránh làm ồn, ảnh hưởng đến người dân địa phương.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường.
  • Học một số câu giao tiếp tiếng Khmer cơ bản để dễ dàng trò chuyện với bà con dân tộc.
  • Tiền mặt: chuẩn bị tiền mặc dễ dàng mua sắm, thưởng thức ẩm thực địa phương.

Mỗi làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng là một mảnh ghép độc đáo, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú của vùng đất này. Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Chúc bạn có một chuyến du lịch làng nghề Sóc Trăng thú vị và đáng nhớ!