Đảo Hòn Sơn – Hướng dẫn du lịch Hòn Sơn Kiên Giang

Với những bãi biển cát trắng xinh đẹp, bãi đá hùng vĩ và thơ mộng, những rặng dừa phủ bóng xanh mát, Hòn Sơn hiện lên như một hòn ngọc lấp lánh giữa đại dương bao la, chưa có dấu vết của sự khai phá. Với không gian yên tĩnh  và vẻ đẹp hoang sơ cuốn hút bậc nhất, đảo Hòn Sơn – Kiên Giang là một địa điểm du lịch Miền Tây lý tưởng cho các kì nghỉ dưỡng, dã ngoại.

Đảo Hòn Sơn – Ảnh: Thanh Đoàn

Đến với Hòn Sơn, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ với biển trời, rừng núi, trải lòng cùng những người xứ biển mến khách và thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà chất biển. Nếu bạn đang có ý định tới thăm hòn đảo xinh đẹp này, thì không nên bỏ qua bài viết về những thông du lịch Hòn Sơn, Kiên Giang dưới đây.

Đôi nét về Hòn Sơn

Hòn Sơn còn có tên gọi khác là Hòn Sơn Rái, thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Nằm trên vịnh Hà Tiên, giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre, cách thành phố Rạch Giá 65 km về phía Tây.

Trung tâm của đảo Hòn Sơn

Sở dĩ hòn đảo có tên là Rái Cá là vì trước đây trên đảo có một loài cây tên là cây dầu rái mọc rất nhiều, nhựa cây dùng để quét lên vỏ thuyền để chống nước biển ăn mòn. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng lúc trước quanh đảo có rất nhiều rái cá sinh sống. Năm 1777, khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn đến đây, có một con rái cá khổng lồ dâng hải sản lên cho ông, nên ông đặt tên cho hòn đảo là Hòn Sơn Rái.

Vẻ đẹp hoang sơ cuốn hút của Hòn Sơn

Hòn Sơn có diện tích tự nhiên 11,5 km2 có 7 đỉnh núi nhấp nhô và được viền quanh bởi 6 bãi biển đẹp. Đất lành chim đậu, từ một hòn đảo vắng hoang sơ đầu thế kỷ 18, đến nay, Hòn Sơn đã có hơn 2.400 hộ gia đình với 8.200 nhân khẩu sinh sống. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đóng tàu, chế biến tôm, cá, mực khô và làm nước mắm.

Thời điểm du lịch Hòn Sơn lý tưởng

Thời tiết ở Hòn Sơn luôn dễ chịu quanh năm chính vì vậy bạn có thể đi du lịch Hòn Sơn vào bất cứ thời điểm nào trong năm.  Tuy nhiên thời điểm lý tưởng để bạn đi du lịch đảo Hòn Sơn là vào khoảng tháng 5 đến tháng 12 bởi mùa này biển êm ít sóng và có nhiều hải sản: mực, tôm, ghẹ… tươi ngon.

Thời điểm lý tưởng để bạn đi du lịch đảo Hòn Sơn là vào khoảng tháng 5 đến tháng 12

Trên đảo có Lễ hội Nghinh được tổ chức vào 15/10 âm lịch hằng năm. Bạn có thể đến đảo vào dịp này để hòa mình vào không khí sôi nổi của lễ hội. Ngày hội tất cả người dân ở Hòn sẽ hội tụ lại đặc biệt là những người sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển

Trước khi lên đường các bạn nên cập nhật tình hình thời tiết ở vùng biển Cà Mau – Kiên Giang và tránh các thời điểm biển động và mưa bão để đảm bảo an toàn.

Đến đảo Hòn Sơn bằng cách nào.

Di chuyển tới Rạch Giá

Muốn tới Hòn Sơn trước tiên bạn phải đến TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Từ Hà Nội, bạn có thể mua vé máy bay tới Cần Thơ, sau đó bắt xe khách từ Cần Thơ đi Kiên Giang. Một lựa chọn khác là bay từ Hà Nội đến TP. HCM tiếp tục bắt xe khách đến Kiên Giang.

Từ TP. Hồ Chí Minh bạn có thể đi ô tô cá nhân, xe khách đến Rạch Giá với thời gian khoảng từ 5-6 giờ. Vì các chuyến tàu đi Rạch Giá – Hòn Sơn xuất phát vào sáng, chính vì vậy bạn nên đi trước một ngày nghỉ qua đêm tại TP Rạch Giá để sáng tới bến tàu cho kịp giờ. Còn đi xe khách thì đi từ đêm hôm trước đến bến xe Rạch Giá vào khoảng 6h sáng ngày hôm sau. Một số hãng xe như Phương Trang, Việt Đức,… đều có tuyến xe Hồ Chí Minh – Rạch Giá (Kiên Giang). Đến Rạch Giá, xe trung chuyển đưa bạn ra bến tàu mất 30 phút.

Di chuyển tới đảo Hòn Sơn

Từ Rạch Giá, có 2 phương tiện chính để đi tới đảo Hòn Sơn đó là: Tàu cao tốc và tàu khách, bạn có thể dựa vào thời gian du lịch và dựa vào sở thích của mình mà lựa chọn phương tiện di chuyển sao cho phù hợp nhất nhé.

Tàu cao tốc: Thời gian di chuyển là 1 tiếng 30 phút. Với phương tiện này thì bạn sẽ tiết kiệm được tối đa thời gian di chuyển. Tàu cao tốc thường neo đậu ở cảng số 2 và số 3 ở bến Rạch Giá.

Một số các hãng tàu và thời gian khởi hành cụ thể:

  • Tàu Ngọc Thành: Bến Rạch Giá – Hòn Sơn: khởi hành lúc 8h05. Hòn Sơn – Bến tàu Rạch Giá: khởi hành lúc 13h30
  • Tàu Superdong:  Bến Rạch Giá – Hòn Sơn: khởi hành lúc 7h20.  Hòn Sơn – Bến tàu Rạch Giá: khởi hành lúc 11h15
  • Tàu Phú Quốc Express: Bến Rạch Giá – Hòn Sơn: khởi hành lúc 6h30.  Hòn Sơn – Bến tàu Rạch Giá: khởi hành lúc 14h10

Tàu khách: Nếu mang xe máy lên để tham quan đảo và chở nhiều đồ đạc, hàng hoá thì tàu khách sẽ là lựa chọn phù hợp. Thời gian di chuyển khá lâu khoảng 3 tiếng 30 phút nhưng giá vé rẻ hơn tàu cao tốc. Các tàu khách thường đậu ở cảng số 2 tại bến. Hai hãng tàu chính là Thanh Tú và Đức Trung, đều khởi hành từ Bến Rạch Giá – Hòn Sơn lúc 8h30 và quay trở lại lúc 10h.

Thời gian khởi hành có thể thay đổi vào cuối tuần hay những ngày đông khách. Các bạn nhớ gọi điện cho các hãng tàu để đặt vé trước và nhớ hỏi kĩ lúc liên hệ đặt vé để tránh tình trạng bị lỡ chuyến tàu.

Di chuyển trên đảo

Muốn đi dạo trên đảo thì bạn nên thuê xe máy với giá dao động từ 200,000 – 250,000đ.  Bạn có thể thuê trực tiếp tại các nhà nghỉ, song song với lúc nhận phòng. Nếu đi theo nhóm đông người thì bạn một sự lựa chọn khác đó là thuê xe bán tải hoặc xe khách 12 chỗ. Ngoài ra bạn cũng có thể thuê một chiếc thuyền của ngư dân để đi vòng quanh đảo hay đi câu cá, câu mực rất thú vị.

Thuê xe máy đi dạo trên đảo

Đến đảo Hòn Sơn chơi gì?

Đảo Hòn Sơn có rất nhiều địa điểm hấp dẫn, thú vị cho du khách tha hồ khám phá phá như: Những dãy núi cao hùng vĩ, những bãi biển trong xanh tuyệt đẹp, những ngôi chùa được đi vào di tích lịch sử…  Bạn nên đi Hòn Sơn khoảng 2 ngày 1 đêm để thăm thú những nét đặc trưng trên đảo, ngắm cảnh hoàng hôn và đón bình minh trên đảo. Khoảnh khắc đó ngồi trên một mỏm đá lớn, hướng mắt nhìn về phía biển bạn sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa biển cả rộng lớn.

Đón bình minh trên đảo.

Tắm biển

Với đường bờ biển dài hơn 1km uốn cong theo đường lưỡi liềm, đảo Hòn Sơn có nhiều bãi biển như: bãi Giếng, bãi Bàng, bãi Bấc, bãi Đá Chài…. Trong đó, bãi Bàng được xem là bãi biển đẹp.

Bãi Bàng

Với biển xanh cát trắng và nắng vàng quanh năm, sóng nhè nhẹ vỗ bờ, nước biển sạch cùng nhiều bãi đá lớn nhỏ thích hợp để tắm biển và chụp hình. Đến đây, bạn sẽ được thả mình vào làn nước trong xanh, ngắm những rặng dừa dọc bờ biển đong đưa theo gió, hít thở không khí biển trong lành, mát mẻ.

Biển xanh cát trắng và nắng vàng

Bãi Thiên Tuế nằm ở phía Tây có những khối đá tạo hình kỳ thú của thiên nhiên khiến ta không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Ở đây tàu thuyền cũng neo đậu tấp nập và những dãy nhà mọc san sát nhau tại bãi biển. Bãi Đá Chài và Bãi Giếng nằm sát bãi Thiên Tuế, dựa lưng vào dãy núi có rừng cây nguyên sinh. Ở đây có những mô đá phẳng nguyên khối chạy dài ra mép nước. Không gian thoáng đãng nơi đây rất phù hợp để tổ chức vui chơi, cắm trại.

Những khối đá tạo hình kỳ thú

Bãi Xếp với cây dừa ngã đầy thú vị được dân bản địa gọi là “cây dừa ngàn năm”.

Bãi xếp

Đây là một bãi biển còn hoang sơ, trên bãi cát những hòn đá to nằm tự nhiên mà như xếp đặt. Đặc biệt, ở Bãi Xếp có cây dừa ngã nằm sát mặt đá, nhưng lá vẫn xanh tươi, rì rào với gió biển.

Cây dừa nằm

Đi dạo một vòng quanh đảo

Con đường quanh đảo được tráng xi măng rộng đẹp, quanh co uốn lượn theo bờ biển với những rặng dừa nghiêng soi bóng dưới làn nước biển xanh ngắt, khiến bạn vô cùng thích thú.

Con đường quanh đảo

Trên đường đi xuyên núi có một trong những địa điểm đáng khám phá ở Hòn Sơn chính là thác nước duy nhất trên đảo. Thác nước mang cảnh sắc của thiên nhiên núi rừng và quanh năm nước chảy từ đỉnh Ma Thiên Lãnh xuống bãi Bàng, là nguồn nước ngọt quý báu cho người dân trên đảo.

Thác nước duy nhất trên đảo

Cầu cảng Lại Sơn với những con tàu neo đậu hiện ra trong tầm mắt, giúp bạn hình dung được nhịp sống thanh bình của ngư dân miền biển Tây.

Cầu cảng điểm chụp hình sống ảo tuyệt đẹp

Tảng đá ven biển được sơn vẽ thành hình chú rùa rất sống động

Leo Núi

Ngoài các hoạt động thường thấy như tắm biển, lặn biển ngắm san hô, câu cá, bắt nhum…thì các hoạt động leo núi hay đi bộ xuyên rừng cũng là một trong những trải nghiệm thú vị.

Leo núi hay đi bộ xuyên rừng cũng là một trong những trải nghiệm thú vị

Chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh

Đảo Hòn Sơn còn có 7 ngọn núi, trong đó nổi bật là đỉnh núi Ma Thiên Lãnh với độ cao 450m. Vượt qua những bậc thang và đi qua con đường mòn đầy sỏi, lên đến đỉnh núi. Đứng trên những tảng đá lớn giữa đỉnh Ma Thiên Lãnh, bạn có thể phóng tầm mắt ra không gian mênh mông, xanh thẳm của biển trời. Trên đỉnh núi có một tảng đá rất lớn được gọi là “Sân Tiên” gắn với truyền thuyết là nơi các tiên nữ thường xuống đây vui chơi nhảy múa. Cảnh đẹp hoang vu, huyền bí này cũng thu hút không ít các đạo sĩ, những người quy ẩn giang hồ đến thiền định trong các hang động, am miếu bỏ hoang. Những câu chuyện dân gian này càng làm cho Ma Thiên Lãnh thách thức người khám phá và chinh phục.

Phong cảnh nhìn từ Ma Thiên Lãnh

Để chinh phục núi Ma Thiên Lãnh, từ cầu cảng Bãi Nhà, bạn đi khoảng 1km về hướng Bãi Bàng. Sau đó đi bộ thêm một đoạn, sẽ thấy con đường ở bên tay trái với những bậc thang dẫn lên núi. Từ đây, bạn có thể men theo các bậc thang, bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi. Khi leo núi ở Hòn Sơn, bạn có thể thuê người dân bản địa để dẫn đường. Khi leo núi, bạn nên mặc những trang phục bằng vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi; đồ mang theo càng đơn giản càng tốt. Giày leo núi phải nhẹ, ôm chân và phải có độ bám tốt.

Ngồi trên đỉnh núi tự ghi lại những bức ảnh, nghe dân địa phương thuật lại truyền thuyết đỉnh Ma Thiên Lãnh, chuyện các nàng tiên giáng trần nơi Sân Tiên và cuộc đời bí ấn của các đạo sĩ tìm đến đây tu hành… quả là không uổng phí!

Khám phá Núi Ông Rồng

Một ngọn núi khác cũng không kém hấp dẫn là núi Ông Rồng. Núi chỉ cao hơn 250m so với mực nước biển, đường đi cũng ngắn rất nhiều so với núi Ma Thiên Lãnh, nhưng đường khó đi hơn, phải băng rừng, vượt suối. Lộ trình leo núi Ông Rồng chỉ bằng 1/3 so với Ma Thiên Lãnh nhưng đòi hỏi bạn phải có sức dẻo dai, bởi vì càng lên cao, đường càng dốc.

Cây thiên tuế trên đỉnh Núi Ông Rồng

Có những dốc cao đến cả mét, trơn trợt, hay những đoạn dốc gần như thẳng đứng, phải bám dây leo, cây rừng mà đi. Đường rừng luôn rậm rạp cây cối với nhiều lối rẽ quanh co, bạn phải bám sát người đi trước nếu không rất dễ bị lạc, dù chỉ cách nhau 1-2m.

Sau một hồi len lỏi, luồn lách qua những phiến đá khổng lồ, những lối mòn rậm rạp, bạn sẽ đến được đỉnh Ông Rồng. Tại đây, điểm gây ấn tượng mạnh chính là cây thiên tuế cổ thụ mọc trong vách núi, thân ngã nằm dài, uốn khúc, khoanh tròn như thân của con rồng với đầu hướng ra biển, tên gọi núi Ông Rồng cũng bắt nguồn từ đây. Theo các nhà nghiên cứu cây này có tuổi đời trên 300 năm nếu tính theo mắt lá (một năm thay lá một lần).

Tìm hiểu các di tích lịch sử

Ngoài những thắng cảnh đẹp, Hòn Sơn còn có những di tích mang nét tâm linh của xứ biển, gắn với những giai thoại của người bản địa. Trên đảo có các đình, chùa như: Đền thờ Nam Hải Đại tướng quân, Đình thần Lại Sơn, Miễu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, Chùa Hải Sơn…

Lăng ông Nam Hải

Theo người dân trên đảo, Miếu Bà Cố Chủ là nơi thờ người phụ nữ đầu tiên đến khai phá Hòn Sơn Rái và được người dân xem là thần cai quản vùng biển Lại Sơn. Để tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bà, người dân nơi đây đã lập miếu thờ, tổ chức lễ cúng vào ngày 09 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Đến Hòn Sơn, bạn nhớ viếng thăm Di tích Đình thần Nam Hải tọa lạc ở Bãi Thiên Tuế. Đây cũng là nơi bảo quản nhiều bộ xương cá Ông. Lễ hội Nghinh Ông vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch hàng năm là một nét đẹp văn hoá đặc trưng của người dân trên đảo.

Các hoạt động về đêm

Đêm đứng trên cầu tàu Hòn Sơn-ở Bãi Nhà trông ra biển rất đẹp, phía xa biển khơi là ánh sáng nhấp nhô tàu thuyền của ngư dân, còn nhìn vào bãi biển ven bờ đường ánh sáng xanh, vàng, đèn phố thị soi bóng xuống con đường vòng cung trông rất thơ mộng. Bên cạnh bãi biển Bãi Nhà là chợ đêm sung túc sáng rực với nhiều hải sản tươi ngon của miền biển Kiên Giang. Đi từ cầu cảng đến chợ đêm tầm 200m. Nếu bạn nào ở các nhà nghỉ gần cảng thì có thể dễ dàng đi bộ ra chợ. Chỉ mất khoảng 10 đến 15 phút thôi.

Hòn Sơn về đêm – Ảnh: Minh Khôi

Điều đặc biệt hấp dẫn mà bạn không thể không trải nghiệm khi vui chơi về đêm trên đảo đó là cùng nhau thuê thuyền ra biển câu mực. Cảm giác ngồi trên thuyền, nghe tiếng sóng vỗ và câu được “chiến lợi phẩm” mang về sẽ khiến bạn vui khó tả.

Nhà nghỉ ở đảo Hòn Sơn

Vì còn hoang sơ và chưa được khai thác du lịch nhiều, nhưng trên đảo Hòn Sơn đã có một số khách sạn, nhà nghỉ, homestay phục vụ du khách. Khách du lịch thường sẽ nghỉ tại khu homestay tọa lạc ngay bãi Bấc, cách cầu cảng khoảng 7 km. Ở đây bạn có thể tắm biển và ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Giá phòng dao động khoảng 500.000 đến 800.000 đồng/đêm (gồm cả ăn sáng).

Ngoài ra cắm trại qua đêm trên các bãi biển củng là một sự lựa chọn thú vị. Đảo Hòn Sơn đã có điện lưới quốc gia nên rất đầy đủ các tiện nghi, bạn không phải lo lắng. Tuy nhiên nếu đi vào dịp lễ hay ngày cuối tuần thì hãy liên hệ để đặt phòng sớm nhé!

Ăn uống trên đảo Hòn Sơn

Đến Hòn Sơn bạn đừng bỏ qua những món Hải sản tươi sống  như: ghẹ, ốc, tôm, tôm tích và các món khác ngon không kém là cá trích tái chanh, hào sữa trái chanh hoặc trộn xoài, canh chua cá biển, lẩu cháo mực, cháo hào, nhum nướng…. với cách chế biến rất đặc trưng của người dân xứ đảo.

Hải sản tươi ngon

Ngoài hải sản, trên đảo Hòn Sơn người dân nuôi gà bằng cái dừa và gà được thả tự do ban ngày chúng đi lên rừng kiếm ăn ban đêm chúng về ngủ, gà ở đây rất ngon và ngọt đặt biệt món gà hấp nước mắm, gà nướng Ma Thiên Lãnh các bạn đi du lịch Hòn Sơn phải thử món này nhé.

Món gà Ma Thiên Lãnh

Ở Hòn Sơn – Kiên Giang, những món ăn bình dân luôn có mặt ở khắp mọi nơi như bún, cơm hay phở với giá chỉ từ 20,000 – 25,000đ/tô, bạn sẽ dễ dàng tìm được nhiều quán ăn đủ loại với giá khá mềm ngay tại cầu cảng bãi Nhà.

Bạn cũng có thể ra chợ Bãi Giếng hoặc các bãi neo thuyền đánh bắt để mua hải sản tươi sống rồi nhờ chủ nhà nghỉ hoặc các nhà dân bên biển Bãi Bàng chế biến và cung cấp nước uống, bát đĩa,….

Có một quán mà giới trẻ phải check in cho bằng được tại Hòn Sơn đó là Quán Bia – Cổng trời Hòn Sơn. Cách cầu cảng khoảng 3km. Đến đây bạn có thể uống nước, hóng gió và tha hồ chụp hình sống ảo.

Quán Bia Hòn Sơn

Khu chợ đêm ở Hòn Sơn khá rộng khoảng 1000m vuông. Thuộc khu vực trung tâm cách Cầu cảng bãi nhà khoảng 200m. Đầy đủ các món từ thức ăn tới nước uống.

Đặc sản ở đảo Hòn Sơn mua về làm quà

Đặc sản Hòn Sơn là các loại hải sản khô, mắm, muối, me … các loại rượu được ngâm từ các loại cây, trái có sẵn tại hòn như Rượu Nho Rừng, Rượu Hoa Mai Rừng, Rượu Huyết Rồng, Rượu Dừa… Đặc biệt là nước mắm Hòn Sơn. Có thể nói, nước mắm thùng Hòn Sơn là loại đặc sản bậc nhất ở đây  bạn đừng quên nên mùa một ít về làm quà nhé.

Tour du lịch Hòn Sơn

Để tiết kiệm chi phí và đỡ lo lắng về chuyện đi lại ăn uống nghỉ ngơi trên đảo bạn hãy đặt Tour Hòn Sơn Kiên Giang cực hấp dẫn của Thám Hiểm MeKong.  Liên lạc để được tư vấn và hỗ trợ: 0292.3819.219

Lưu ý: Đang ở trên đảo mà hết tiền mặt thì xử lí như thế nào ? Vì ngoài đảo không có ATM hay ngân hàng do vậy bạn nên sử dụng Internet Banking chuyển khoản cho chủ nhà nghỉ và đổi lấy tiền mặt để dùng. Tốt nhất nên dự trù chi phí để mang theo tiền mặt đủ dùng.

Sau một tuần với bao bộn bề công việc, đã đến lúc phải nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng giá trị của cuộc sống. Hãy một lần du lịch Kiên Giang đến với Hòn Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ, trải nghiệm văn hóa xứ đảo mang đậm tình người và thưởng thức những món ngon ẩm thực khó quên bạn nhé. Hy vọng rằng với cẩm nang du lịch đảo Hòn Sơn của Thám Hiểm MeKong bạn sẽ có một chuyến du lịch vô cùng thú vị và đáng nhớ!