Chùa Rạch Giồng – Ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất ở Cà Mau
Cà Mau là nơi dừng chân của nhiều lớp người đi khẩn hoang mở đất, chinh phục thiên nhiên nên vì thế cũng là nơi hội tụ những điểm tâm linh của các cộng đồng dân tộc Kinh-Hoa- Khmer. Dân tộc Khmer có nền văn hóa hết sức đa dạng và phong phú, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Những ngôi chùa và lễ hội ở các ngôi chùa Khmer trở thành địa điểm du lịch Cà Mau hấp dẫn du khách. Trong đó không thể không nhắc đến chùa Rạch Giồng, một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất và lâu đời nhất ở Cà Mau.
Chùa Khmer Rạch Giồng (Sêrâymangkol) tọa lạc tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 17Km về hướng Bắc; cách trung tâm thị trấn Thới Bình khoảng 18Km về hướng Nam.
Chùa được xây dựng vào năm 1788, và đã trải qua nhiều đời trụ trì. Như vậy, nếu so sánh với chùa Phật Tổ (xây dựng năm 1841), Đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu TP Cà Mau (khoảng năm 1880) được xem là xây dựng sớm, thì chùa Rạch Giồng là ngôi chùa Khmer cổ nhất cũng là kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng Phật giáo được xây dựng sớm nhất ở Cà Mau. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Rạch Giồng là nơi che chở nhiều cán bộ cách mạng Cà Mau.
Trong khuôn viên chùa rộng gần 3 ha có gần 100 cây sao lớn, nhỏ. Nhiều cây có tuổi đời ước tính từ 150 đến trên 200 năm.
Đến năm 2012, chùa khánh thành ngôi chánh điện xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2, cao 36m. Với các đường nét hoa văn được chạm trổ rất công phu, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc. Các bức hoạ trên tường trong chánh điện choáng ngợp màu sắc, miêu tả đức Phật từ lúc đi tu đến lúc nhập niết bàn cũng do các hoạ sĩ, nghệ nhân Khmer thực hiện. Chánh điện chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chánh điện đẹp nhất trong các chùa Khmer trong tỉnh Cà Mau.
Ngoài chánh điện, các thiết chế, kiến trúc khác như: Shalaten, nhà tăng xá và các ngôi tháp, bàn thờ Thiên… có kết cấu gạch, bê-tông với hoạ tiết hoa văn được tô đắp công phu.
Đối với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là không gian vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Không chỉ là nơi sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; nơi giao lưu văn hóa bền chặt giữa các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, qua đó nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.