Đình Mỹ Phước Long Xuyên – Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Đình Mỹ Phước là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia gắn liền với lịch sử thời kỳ khai mở đất mới vùng Tây Nam Bộ. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du lịch An giang độc đáo bởi nét kiến trúc cổ kính, không gian trầm mặc.

Đình Mỹ Phước mang đậm dấu ấn kiến trúc triều Nguyễn

Đình Mỹ Phước mang đậm dấu ấn kiến trúc triều Nguyễn

Vị trí Đình Mỹ Phước

Đình Mỹ Phước tọa lạc tại phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Phía Đông giáp đường Nguyễn Huệ, phía Tây giáp đường Phan Chu Trinh, phía Nam giáp đường Hai Bà Trưng và phía Bắc giáp đường Lê Minh Ngươn.

Lịch sử và kiến trúc

Đình Mỹ Phước được xây dựng vào năm 1836, ban đầu chỉ là ngôi đình đơn sơ bằng tre, lá. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình được trùng tu nhiều lần và đến năm 1889, đình được xây dựng lại bằng gạch ngói với quy mô như hiện nay. Tuy trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng ngôi đình vẫn giữ được kiến trúc triều Nguyễn đặc trưng.

Cổng chính xây theo kiểu “Tam quan”, trên có ba chữ “Mỹ Phước (Phúc) Đình”, hai bên đặt 2 con lân bằng đất nung tráng men xanh ngọc bích. Từ ngoài, qua cổng “Tam quan” đi vào, miếu Sơn Quân và miếu Hội Đồng nằm ở hai bên. Tiếp theo là một khoảng sân rộng rãi lát bằng gạch tàu đỏ tươi. Ở đây có cây mai hai màu vàng và trắng nở hoa khoe sắc vào dịp tết Nguyên Đán.

Miếu Sơn Quân

Miếu Sơn Quân

Miếu Hội Đồng

Miếu Hội Đồng

Ngôi đình chính dài 37m, rộng 16,5m (610,5m2), có màu vàng tươi chủ đạo. Nóc chính điện được chạm 2 con rồng uốn khúc, tượng trưng cho uy quyền nhà Nguyễn. Nóc võ ca có gắn 2 con phụng và Bát tiên. Ngoài ra, phần mái được lợp ngói âm dương, có ba tầng mười hai mái, được đắp tượng cá hóa rồng, nhật nguyệt, hình người…rất đa dạng khảm mảnh gốm sứ, mang màu sắc dân gian.

Ngôi đình chính dài 37m, rộng 16,5m

Ngôi đình chính dài 37m, rộng 16,5m

Nội thất trang trí hài hòa giữa vật thờ và màu sắc tạo sự trang trọng tôn kính. Nổi bật là các bộ bao lam, thành vọng, khánh thờ thần, các bức hoành phi, liễn đối… tinh xảo. Tất cả đều chạm khắc nhiều nội dung: Lưỡng long tranh châu, bát tiên, tứ linh… rất kỳ công, tỉ mỉ. Mỗi bức chạm đều có hoa văn đặc trưng Nam Bộ như: Cành hoa, chim, lá sinh động với đường nét sắc sảo mang tính nghệ thuật cao, sơn son thếp vàng rực rỡ đẹp mắt; cho thấy trình độ của nghệ nhân xưa đạt đến trình độ cao.

Bên trong chánh điện

Bên trong chánh điện

Gian chính có khám thờ thần Thành hoàng làng là Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), một vị tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu, người có công chiêu dân khai phá vùng đất này. Võ qui (trung điện) có bàn thờ 18 đời vua Hùng và bàn thờ chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên gian chính, là các bàn thờ: Tả ban, Hữu ban, Đông hiến, Tây hiến, tiền hiền, hậu hiền,…

Đình Mỹ Phước lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như: sắc phong thần của vua Tự Đức năm 1852, hoành phi, câu đối, cặp hạc cưỡi quy cao 150cm,…

Ngày 26/6/1995, đình Mỹ Phước được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Lễ hội và hoạt động văn hóa

Đình Mỹ Phước là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ Kỳ yên (ngày 10, 11 và 12/5 âm lịch), lễ Lạp miếu (ngày 11, 12/12 âm lịch), lễ Vía thần thị (ngày 19 và 20/5), lễ Khai sơn (ngày 10/1 âm lịch)… thu hút đông đảo người dân và du khách phương xa đến cúng tế và tham quan. Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ đến công lao của các vị tiền nhân, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống

Nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống

Điểm đến tâm linh và du lịch ý nghĩa

Với kiến trúc cổ kính và giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, đình Mỹ Phước là địa điểm du lịch Miền Tây tiêu biểu. Đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo mà còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương.

 

Đình Mỹ Phước góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa của thành phố Long Xuyên sầm uất và mang đến cho du khách trải nghiệm tâm linh ý nghĩa và thú vị.

Lưu ý

  • Khi đến thăm đình, du khách nên ăn mặc lịch sự, trang nhã.
  • Không nên sờ mó, di chuyển các hiện vật trong đình.
  • Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi.