Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ
Cần Thơ mang một nét đặc trưng rất riêng của vùng miền sông nước, đến đây con người ta như được trở về với những điều thanh bình nhất, giản dị nhất. Với những ai muốn tìm tới một chốn tâm linh thanh tịnh, thì khi du lịch Cần Thơ hãy nhớ ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam.
Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại địa phận ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km. Sau khi chiêm bái thiền viện bạn có thể kết hợp tham quan Làng Du Lịch Mỹ Khánh ở gần đó chỉ cách khoảng chừng 1km.
Thiền viện trúc lâm Phương Nam được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với tổng diện tích lên đến 38.016 m vuông.
Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua đã nhường ngôi lại cho con trai và một mình đến núi Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.
Vì là ngôi chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần. Đây là một nét đặc trưng rất rõ trong kiến trúc xây dựng của các ngôi Thiền Viện ở Việt Nam. Và đây cũng là yếu tố quan trọng để bất kỳ ai khi nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại miền Tây Nam Bộ.
Đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ, đi một vòng quan sát từ ngoài vào trong, điểm nhấn đầu tiên của ngôi chùa là diện tích rất rộng với nhiều hạng mục lớn như: cổng tam quan, chính điện, tháp chuông, tháp trống, hậu điện, … đều chung một sắc thái chung là màu ngói nâu đỏ với các cây cột gỗ chống lớn và phần nền được làm bằng đá khối nhìn rất vững chãi.
Cổng tam quan cao rộng xây theo lối gác mái cong đầu đao lợp bằng ngói đỏ. Chính giữa cổng là tấm biển bằng gỗ khắc chữ nổi mạ vàng “Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam”; phía dưới tấm biển hai bên cổng là hai tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bên trái và tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) bên phải. Nhìn chung, tam quan thiền viện rất bắt mắt trong ánh nhìn ban đầu khi toát lên hình ảnh vừa uy nghi, hiện đại nhưng rất truyền thống.
Qua cổng bước vào trong là khoảng sân lát gạch đỏ tươi rộng rãi dẫn đến chính điện, du khách sẽ thấy 2 hàng tượng các vị La Hán bằng đá hoa cương đặt song song. Dưới chân mỗi bức tượng đều khắc tên những vị anh hùng có công bảo vệ và xây dựng đất nước.
Phía bên phải sân chính điện là tháp chuông mái cong cao vút được mô phỏng theo lối kiến trúc tháp chuông ở chùa Keo (Thái Bình), bên trong đặt đại hồng chung (chuông đồng) nặng 1,5 tấn. Bên trái sân là tháp trống với giá gỗ đặt trống được chạm trổ công phu, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Tất cả những hạng mục trên đều được làm từ khoảng 1.000 khối gỗ lim được nhập từ Nam Phi trực tiếp.
Phần chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách thời vua triều Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời nhà Lý. Mái chùa là dạng kiến trúc điển hình mô phỏng đời sống nông nghiệp của người dân Việt Nam. Mái chùa cong cong hình mũi thuyền đương đầu với sóng gió, từ trên cao thu hẹp lại, phía dưới lan rộng ra tạo thế vững chắc còn gọi là “thượng thu hạ thách”.
Càng vào bên trong, du khách sẽ cảm nhận được không khí trong lành cùng với mùi thoang thoảng của nhang đốt, hòa cùng với khói nhang tạo nên sự cổ kính và linh thiêng.
Bước vào chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện) bạn sẽ bị choáng ngợp bởi các khối tượng khổng lồ, không gian vô cùng tĩnh lặng mà đầy uy nghiêm. Riêng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện được làm bằng đồng, nặng 3,5 tấn và đại hồng chung nặng 1,5 tấn. Tượng Bồ Tát và các vị tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ 800 năm. Sàn lót gạch màu đỏ, tất cả 44 cột gỗ đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu.
Dọc hai dãy hành lang cũng trưng bày rất nhiều bức tượng các vị la hán tạc bằng đá hoa cương, mỗi bức tượng như một mảng kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Các bức tượng thờ được tạo tác từ bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng trong nghề, mỗi bức tượng đều toát lên vẻ thần thái riêng. Chiêm ngưỡng những tuyệt tác ấy người xem không khỏi thán phục bàn tay tài hoa của những nghệ nhân. Nhìn vào đó ta có thể cảm nhận được sự công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết phác lên cái hồn của mỗi vị Phật.
Ngoài ra, trong khuôn viên Thiền viện còn có các hạng mục khác như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), chùa Một Cột, giảng đường, khách đường, trai đường, thư viện, phòng Đông y Nam dược… Các công trình được bài trí hài hòa với cây xanh, tạo nên khung cảnh tĩnh mịch, mang lại cảm giác thư thái cho những ai muốn dạo bước tham quan.
Bên phải là nhà thủy tạ nằm trên mặt hồ tròn vành vạnh gợn sóng lăn tăn, với những bông hoa súng khoe sắc tươi thắm dưới ánh mặt trời. Dẫn vào nhà thủy tạ là một cây cầu sơn màu đỏ, bên trong có bức tượng Phật Di Lặc bằng gỗ quí (màu nâu), với nét mặt vô ưu. Phía bên trái cũng là nhà thủy tạ, với lối kiến trúc giống nhau, duy chỉ khác có bức tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng (cao 2 mét) được đặt trang trọng bên trong với vẻ mặt bao dung, thánh thiện như soi rọi hết mọi đau khổ của chúng sinh và sẵn sàng ra tay “từ bi” cứu độ.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo nhất của xứ Tây Đô. Đến thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là tìm về với không gian của cõi tĩnh, tâm hồn được gột sạch mọi bụi bặm của trần thế. Ở đây bạn sẽ được học về những triết lý sống đơn giản nhất từ nhà Phật mà vô cùng sâu sắc. Bước vào thiền viện có cảm giác như bước vào một thế giới khác, nơi mà mọi thứ xô bồ không tồn tại, chỉ có những tấm lòng thanh khiết hướng về cửa Phật. Dạo mát quanh hồ sen, tìm cho mình một chốn thanh tịnh để tĩnh tâm, thắp hương cầu chúc tốt lành, thật là thú vị biết bao.