Nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ – Nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô

Có dịp đi du Lịch Cần Thơ sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng, dạo bộ bến Ninh Kiều, thưởng thức trái cây, ẩm thực miệt vườn… du khách nhớ đến thăm những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn văn hóa miền Tây. Trong đó nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất xứ Tây Đô đã có trên 100 năm tuổi, được dùng làm bối cảnh của nhiều phim nổi tiếng.

Nhà cổ Bình Thủy – Nhà cổ đẹp nhất Cần Thơ

Nhà cổ Bình Thủy tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ là điếm đến không thể thiếu với bất kì ai dù đặt tour Cần Thơ hay đi tự tức. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương. Căn nhà cổ này là một trong số ít những căn nhà cổ còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, có giá trị lớn trong việc hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân đồng bằng sông Cửu Long thời kì giao thoa giữa hai thế kỉ.

Nhà cổ Bình Thủy được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương.

Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ – một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Chính vì vậy, du khách có thể nhận thấy ngôi nhà theo phong cách kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp sang trọng. Đặc biệt hơn cả là ngôi nhà mang đậm dấu ấn phong thủy rõ nét của người phương Đông, tạo nên một không gian hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. 

Khoảng sân rộng rãi

Ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Khu nhà được bao bọc bởi cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, hoa nở rộ bốn mùa. Khiến cho ngôi nhà vừa mang nét hoài cổ kính đáo vừa sống động, thơ mộng và tươi mới. 

Khu nhà được bao bọc bởi cây cảnh, hoa nở rộ bốn mùa.

Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài. Có thể nói nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ hiếm ở miền Tây có phong cách kiến trúc ít trùng lẫn với ngôi nhà cổ nào.

Tiểu cảnh trước sân nhà

Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, bạn sẽ thấy một cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, mặt trước gắn bảng “Phước An Hiệu”.

Cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp

Cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông

Ngay khi đứng bên trong sân và nhìn lên mặt tiền ngôi nhà cổ, du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp tinh tế của những đường nét trang trí từ cột, vòm cửa sắt cho đến các họa tiết đắp nổi vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp tinh tế của đường nét trang trí

Khác biệt với nhiều những ngôi nhà khác, mặt tiền nhà cổ Bình Thủy không có cầu thang đi lên trực tiếp mà được thiết kế hai bên, chính giữa hai cầu thang là những cây hoa kiểng án ngữ thể hiện quan niệm phong thủy của người phương Đông. Đặc biệt, trước mặt tiền là hai cây đèn được đúc bằng đồng thời Pháp tại hai lối cầu thang lên xuống của hai bên ngôi nhà.

Cầu thang được thiết kế hai bên

Đi lên cầu thang qua mặt tiền vào trong ngôi nhà là hệ thống một loạt cửa sổ, đảm bảo độ thông thoáng cho ngôi nhà. Từng cột trụ bằng lim cho đến cách bài trí các phòng, nội thất đều được gia chủ sắp xếp theo luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu và có tiền có hậu rất tinh tế. Toàn bộ gạch lát nền đều được vận chuyển trực tiếp từ Pháp về.

Ngôi nhà có hệ thống một loạt cửa đảm bảo độ thông thoáng

Ngăn cách nhà trước, nhà sau, nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam Bộ.

Tuy kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông-Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân.

Một góc nhỏ trong ngôi nhà

Tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữa cốt cách dân tộc, làm cho bộ mặt văn hóa của vùng đất ngày ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Chính sự tiếp thu, vận dụng tài tình, hợp lý đã làm cho công trình có một phong cách riêng, thể hiện rõ nét lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ 19-20 của tầng lớp dân giầu có ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng. Ngoài ra, du khách đến thăm còn có thể nhờ gia chủ giải thích thêm về lối kiến trúc cũng như những ẩn ý đặt trong từng cách bài trí của ngôi nhà.

Ngôi nhà có sự kết hợp văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa

Ngoài ra, trong ngôi nhà còn có một “kho cổ vật” được gìn giữ suốt nhiều thế kỉ qua như: bộ bàn ghế cẩm thạch, vân xanh có đường kính 1,5m, dày hơn 6cm xuất xứ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, bộ sa–lông kiểu Pháp đời Louis 15, mặt bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đằng TK XVIII, cặp đèn treo TK XIX, tách chén nậm trà, rượu đời Minh – Thanh, bình Thượng ngọc men xanh cao 1,2m… Những hiện vật này cho ta biết được mức độ giàu có và thú chơi đồ cao cấp của mấy đời gia đình họ Dương đất Bình Thủy, Cần Thơ. 

Ngôi nhà còn có một “kho cổ vật” quý giá

Bằng giá trị kiến trúc, lịch sử của mình, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là “di tích nghệ thuật cấp quốc gia”, ngày càng thu hút nhiều khách đến thăm. Nét độc đáo của nhà cổ Bình Thủy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm bối cảnh phim Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời. .. Nổi tiếng nhất là phim “Người tình” với sự góp mặt của hai diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy và Jane March của đạo diễn gạo cội người Pháp Jean Jacques Annaud. Khi từ giã đất Cần Thơ về Pháp, J.J. Annaud thú nhận: “Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây.

Nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là “di tích nghệ thuật cấp quốc gia”

Khi đến thăm Nhà Cổ Bình Thủy bạn sẽ được dịp “xuyên không” về bối cảnh quá khứ xa xưa, đắm chìm trong ảo mộng cuộc sống sang giàu của các gia đình trưởng giả Nam Bộ. Mỗi du khách sẽ được nghe cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình Nam Bộ xưa hơn 100 năm về trước qua lời kể mộc mạc của gia chủ. Những câu chuyện lý thú về văn hóa Nam Bộ xưa được cất lên trong không gian hoài cổ như: Cách thức dùng cơm trong gia đình xưa, hòn Nam Bộ vì sao được xây dựng ở cửa lớn, ý nghĩa của những bức phù điêu, những bức tượng xi măng trong sân vườn…

Không gian hoài cổ thu hút du khách đến tham quan

Nếu có dịp du lịch miền Tây về Cần Thơ, đừng quên ghé thăm nhà cổ Bình Thủy – ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô

Thời gian: 7h30 – 18h00 hàng ngày.

Du khách có thể đăng kí tour du lịch Cần Thơ  của Thám Hiểm MeKong tham quan nhà cổ Bình Thủy kết hợp với các điểm đến hấp dẫn khác của Cần Thơ. Tour Cần Thơ được chúng tôi thiết kế lộ trình hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí nhất.