Điểm du lịch Làng cổ Phước Lộc Thọ – Long An
Những ai yêu thích vẻ đẹp hoài cổ, muốn tìm hiểu những phong tuc tập quán, nếp sinh hoạt thường nhật của người Việt Xưa thì Làng Cổ Phước Lộc Thọ là điểm đến lý tưởng dành cho bạn.
Làng cổ Phước Lộc Thọ nằm trên tỉnh lộ 824, thuộc khu vực ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, Long An, nơi tiếp giáp chuyển vùng từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, tạo nên một bản sắc riêng độc đáo vừa mang vẻ đẹp của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long vừa có nét duyên của miền Đông Nam Bộ.
Với 22 căn nhà gỗ cổ trên khắp ba miền nước Việt, và hàng trăm cổ vật quý, năm 2012, Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ có hoa văn chạm khắc phong phú nhất Việt Nam.
Cổng chính vào Điểm du lịch “Làng cổ Phước Lộc Thọ” được xây dựng cách điệu như một cổng thành thời xưa. Bước vào làng Phước Lộc Thọ, ấn tượng đầu tiên mà du khách bắt gặp là một hòn non bộ lớn và một dòng suối nước róc rách ngày đêm.
Các ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 80 đến 150 năm được bảo tồn, phục dựng gần như nguyên vẹn, giữ trọn nét cổ kính. Cách sắp xếp hài hòa, quy hoạch bài bản trong không gian thoáng mát hài hòa với thiên nhiên.
Những con đường ngoằn ngoèo lót đá lún phún cỏ xanh, hai bên là những bụi tre, hàng cau, cùng nhiều loài hoa và đồi cảnh… làm du khách cảm thấy tâm hồn thư thái.
Các ngôi nhà rường Huế tại làng cổ mang phong cách cung đình với chất liệu sơn son thếp vàng và được chạm trổ rồng phượng rất tinh xảo và tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.
Những ngôi nhà rường cột theo kiểu dáng miền Tây rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe. Mỗi đòn, kèo, cột trong những ngôi nhà rường được chạm khắc công phu với những đường nét chạm trổ tinh tế.
Tại Phước Lộc Thọ có 6 căn nhà sàn của các dân tộc khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên như đế cột gỗ mang hình dạng chiếc gùi quen thuộc của người dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ các vật dụng thường nhật của người dân Tây Nguyên.
Trong quần thể của làng cổ Phước Lộc Thọ, nổi tiếng nhất là ngôi nhà chữ “Công” với 104 cột, trên 100 tuổi rất đồ sộ được thiết kế theo lối kiến trúc xưa ở miền Bắc, các cột ở gian chính khảm xà cừ trang trí Tứ linh long, lân, quy, phụng và Tứ hữu mai, lan, cúc, trúc, các vách chạm trổ đề tài hoa quả, chim muông một cách công phu thể hiện sự nguy nga, tráng lệ và uy nghi.
Ngoài bộ sưu tập nhà cổ, ở Phước Lộc Thọ còn có những cổ vật từ thời chúa Nguyễn, vua Bảo Đại như: những chiếc long sàng được sơn son thiếp vàng hay những bộ tiền cổ cũng được trưng bày tại đây. Bên cạnh đó, Phước Lộc Thọ còn là nơi lưu giữ các vật dụng sinh hoạt của nhiều thành phần xã hội xưa từ vua chúa, quan quân, địa chủ cho đến người dân.
Các vật tâm linh văn hóa của người Việt bằng đủ các chất liệu gỗ, sắt, đồng, gốm sứ đa dạng về niên đại, phong phú về chủng loại. Trong đó có cả những vật dụng cổ mang phong cách hiện đại thời thực dân Pháp mới sang đô hộ Việt Nam, như điện thoại, radio, máy hát, máy chụp hình, đèn ngủ,…
Tại khu nhà tiểu lâu tứ giác bát dần (là nhà các vị quan lớn triều Nguyễn) có bộ 3 tượng đồng cùng niên đại, khắc họa sinh động các vị: Phật Như Lai, Phật Bà Quan Âm và Địa Tạng vương Bồ tát. Sau lưng các bức tượng này đều có khắc dấu triện. Chính vì nét cổ kính, độc đáo của Làng cổ Phước Lộc Thọ, nơi đây đã trở thành phim trường của nhiều bộ phim cổ trang.
Rời khu tham quan tới khu giải trí của làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng gần 300 loại hoa lan khác nhau. Trong quần thể làng cổ Phước Lộc Thọ còn là sự hiện diện của một ngôi chùa mô phỏng theo chùa Một Cột tại Hà Nội.
Tại Làng cổ còn phục vụ món ăn đa dạng với không gian hữu tình. Đặc biệt khách du lịch Long An đến đây sẽ được thưởng thức ăn đặc sản Long An và các loài cá tươi ngon đánh bắt trực tiếp từ sông Vàm Cỏ.