Di tích Hồng Anh Thư Quán – Cà Mau

Cà Mau mảnh đất cực Nam tổ quốc có một di tích lịch sử cách mạng hết sức giá trị đó là Hồng Anh Thư quán, tọa lạc tại số 43, đường Phạm Văn Ký, phường 2, thành phố Cà Mau. Trải qua thời gian dài với chiến tranh ác liệt nhưng đến nay di tích vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà gốc, được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ nguyên giá trị.

Tranh vẽ Hồng Anh Thư Quán trước đây

Tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập, với nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Trong phong trào đấu tranh đó, Chi hội mở hiệu sách “Hồng Anh Thư Quán” bán các loại sách báo tiến bộ đương thời được xuất bản tại Sài Gòn. Thực chất đây là bình phong cho phong trào dân chủ, là điểm hội họp của nhiều người yêu nước, nơi hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội thị trấn Cà Mau – tổ chức chính trị có nhiệm vụ giác ngộ thanh niên yêu nước, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin…

Tượng sáp mô phỏng các cán bộ trao đổi công việc thời hoạt động cách mạng

Ngôi nhà với diện tích xây dựng 74m² (ngang 3,7m, dài 20m) mặt quay về hướng Đông Bắc, giáp chợ Cà Mau, trên bờ kinh Xáng, là một căn phố trong dãy phố lầu 2 tầng được thực dân Pháp xây dựng khoảng năm 1900, được gọi là nhà ngủ Á Châu (còn gọi là phố ông Sơn).

Sau một thời gian hoạt động tích cực, Hồng Anh Thư Quán đã gây ảnh hưởng tư tưởng sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, tạo tiền đề chính trị cho sự ra đời của các cơ sở Đảng Cộng sản sau này.

Với ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong trong phong trào cách mạng tại Cà Mau, Hồng Anh Thư Quán đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 4/8/1992. Trên cơ sở kế thừa những yêu tố truyền thống, tầng trệt di tích được phục dựng quán cà phê Tâm Đồng theo hình thức xã hội hóa, được bày trí nhiều cổ vật, hiện vật. Trở thành một địa điểm du lịch Cà Mau lý tưởng cho du khách đam mê tìm hiểu về văn hoá, lịch sử vùng đất Cà Mau và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cánh mạng cho thế hệ trẻ.