Đậm đà nước mắm đồng Cồn Sơn – Cần Thơ

Du lịch Cần Thơ, đến Cồn Sơn, bạn sẽ được thăm những vườn chôm chôm, vườn nhãn, vườn bưởi trĩu quả và tha hồ lựa quả trên cây để hái, để ăn thoả thích. Đặc biệt là được trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ cồn cùng làm bánh, cùng lội sông tát cá… và thưởng thức các món ăn đặc sản Cồn Sơn, trong đó không thể không nhắc đến món nước mắm đồng đậm đà thơm phức. Nước mắm Cồn Sơn nguyên chất từ cá linh, cá cơm nước ngọt được người dân đóng đáy trên sông Hậu mang về. Quá trình ủ cá, lên men, phân hủy rất tự nhiên, không hề có hóa chất nào khác nên rất đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Đậm đà nước mắm đồng Cồn Sơn

Từ bến đò Cồn Sơn (Khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), men theo con đường đê dẫn vào “xóm du lịch cộng đồng” khoảng 300m, qua chiếc cầu khỉ là đến nhà cô Phan Thị Kim Ngân. Bà con và du khách quen gọi với cái tên trìu mến: cô Bảy Muôn, là một trong những người vẫn kiên trì giữ gìn hương vị truyền thống nước mắm đồng suốt bao năm.

Người phụ nữ nhỏ nhắn trong bộ quần áo giản dị, quen đi chân đất, nhanh nhẹn dắt chúng tôi ra hàng khạp da bò mười mấy cái được kê cao ráo, đặt dọc theo lối đi… Giở nắp khạp, mùi nước mắm đồng thoang thoảng, một mùi thơm vừa lạ vừa quen… Cô Bảy kể, nghề làm nước mắm này chị học từ cha. Mẹ mất sớm, chị lại là con gái duy nhất trong gia đình có 5 anh em nên chuyện bếp núc chị sớm phải lo toan. Từ thuở con gái, chị đã ấn tượng với cách ủ nước mắm của cha và rồi nối nghiệp cha từ lúc nào chẳng rõ. Ông dạy chị cách muối cá, ủ cá và cách nấu làm sao để cho ra những giọt nước mắm đồng tinh túy từ con cá quê nhà.

Cô Bảy Muôn người lưu giữ nước mắm đồng Cồn Sơn

Cá làm nước mắm chủ yếu là cá linh và cá cơm nước ngọt. Tầm tháng 10 cho đến tháng 2 Âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu rộ mùa cá linh, cá cơm nước ngọt, bà con thường mua cá từ các ghe kéo quanh cồn, số để ăn, số thì làm nước mắm. Có thể tóm tắt cách làm nước mắm đồng của chị Bảy Muôn bằng công thức: 30kg cá thì ướp 15 lít muối, sau đó đậy nắp kín, ém chặt để từ 10-12 tháng là vừa. Sau đó lấy cá muối nấu, lọc phần xương, vậy là có nước mắm đồng cốt thơm ngon, mặn mòi không thể cưỡng.

Nước mắm làm từ cá linh và cá cơm ngọt

Theo kinh nghiệm của cô Bảy, nước mắm đồng ngon ngoài nguyên liệu cá tươi ngon, tẩm ướp và ủ đúng thời gian thì chất lượng muối cá cũng rất quan trọng. Để cá không bị dòi phải lựa muối già (đen), chắc hột (muối Bạc Liêu là ngon nhất), dùng muối non (trắng) sẽ khiến nước mắm không đậm đà, mà thậm chí còn bị đắng. Trộn cá với muối lượng ít thôi, để chừa lượng muối cho nhiều đậy trên mặt, phả ngang, thứ nhất không có dòi, thứ hai thời gian lắng xuống nó ngon.

Nước mắm đồng Cồn Sơn an toàn không có hóa chất, phụ gia

Nước mắm đồng mặn hơn, nhìn không trong, không sóng sánh, nhưng vị đậm đà và thơm hơn nước mắm công nghiệp, đặc biệt là không có hóa chất, phụ gia. Ở Cồn Sơn, hầu như gia đình nào cũng ủ nước mắm đồng, nhà ít thì một hai khạp, nhiều thì mười mấy khạp để dành ăn quanh năm, còn dư thì gởi cho bà con ở xa. Từ khi người dân làm du lịch, hương vị nước mắm đồng cũng bắt đầu được biết đến nhiều hơn.

Mùi thơm nồng, vị đằm nhưng không mặn

Nếu có dịp du lịch Cồn Sơn, du khách đừng quên thưởng thức nước mắm đồng kèm với các món đặc sản xứ “Cồn” như: rau tập tàng luộc; lục bình xào; cơm cháy kho quẹt; bánh xèo, canh chua cá lóc… Ai đã ăn nước mắm đồng của cô Bảy nấu với hương vị “độc nhất vô vị” hẳn sẽ nhớ mãi không quên. Đó là mùi thơm nồng, vị đằm nhưng không mặn, sánh kẹo nước cốt cá cơm…  Bạn có thể mua vài chai nước mắm cá linh, cá cơm do cô Bảy chế biến làm quà cho người thân.

Giữa nhịp sống bộn bề, hối hả, thầm cảm ơn người phụ nữ lưu giữ hương vị đậm đà của nước mắm đồng. Những giọt nước mắm mặn mòi gợi hình ảnh người bà, người mẹ tần tảo ngồi bên bếp lửa canh từng cây củi cẩn thận. Nhờ vậy, vị ngọt từ cá đồng vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng người thưởng thức.